Quản lý lỏng, công nghệ mất tác dụng
Câu chuyện về Công ty Vedan Việt Nam xả thải làm ô nhiễm nước sông Thị Vải thời gian qua là một ví dụ điển hình trong công tác bảo vệ môi trường nước. Tuy nhiên, Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, Viện Nước và công nghệ môi trường, Vedan chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đang xả nước gây ô nhiễm môi trường “không may” bị… bắt quả tang.
Nước bẩn xả thẳng ra sông
Thống kê của Bộ TN- MT cho biết chỉ tính riêng lưu vực sông Cầu có hơn 2.000 doanh nghiêp sản xuất công nghiệp. Các ngành sản xuất gồm luyện kim, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng… Xét về tổng lượng nước thải, các ngành khai thác mỏ, chế biến khoáng sản chiếm 55%, ngành kim khí chiếm 29%. Trong khi đó, đa số mỏ khai thác ở lưu vực sông Cầu không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải trong và sau khai thác đều xả thẳng vào nguồn nước mặt.
Hệ thống xử lý nước thải tại KCN dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (Đà Nẵng).
Hiện tượng nước thải bẩn từ doanh nghiệp và các làng nghề không qua xử lý cũng đang làm nguồn nước trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, chất lượng nước của nhiều đoạn sông đã bị ô nhiễm đến mức báo động.
Hệ thống sông Đồng Nai được các chuyên gia môi trường nhận định ô nhiễm nặng, nhiều đoạn đã trở thành “sông chết”. Mà nguyên nhân phần lớn cũng là do nhiều doanh nghiệp xả nước thải bẩn ra sông. Hiện nay, nước sông Đồng Nai đoạn từ Thiện Tân đến Long Đại – Đồng Nai đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng.
Đặc biệt khu vực này đã phát hiện ô nhiễm chì vượt TCVN 1942-1995 đối với nguồn loại A. Về chất lượng nước sông của khu vực hạ lưu sông: chất rắn lơ lửng vượt 2-2,5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng không thể sử dụng cho cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu.
Lắp đặt công nghệ nhưng không dùng
Vừa hoàn thành đợt điều tra hiện trạng áp dụng công nghệ môi trường, PGS TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, cho biết: Hiện có hàng trăm công nghệ xử lý nước thải khác nhau, song các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tương đối thấp, ý thức chấp hành chưa nghiêm.
Có nhiều nơi lắp đặt công nghệ nhưng lại không đầu tư kinh phí để vận hành hoặc chỉ vận hành khi có cán bộ đến kiểm tra. Cả nước chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xử lý môi trường.
“Không phải quá khó để các cơ quan quản lý có thể phát hiện được các doanh nghiệp nào đang vi phạm”, PGS TS Sỹ nói.
TS Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện KH- CN Việt Nam), cũng khẳng định: “Không thể nhớ hết có bao nhiêu công nghệ xử lý nước thải đã được nghiên cứu ở trong nước. Chỉ có điều các cơ quan quản lý về môi trường làm rốt ráo đến đâu để các doanh nghiệp chịu đầu tư mua công nghệ và vận hành công nghệ”.
Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, hiện nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam lắp đặt hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ để… “che mắt” cơ quan quản lý. Kết quả khảo sát mới đây nhất của Viện Nước và Công nghệ môi trường tại 29 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, TP HCM cho thấy chỉ có 6 doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải và có vận hành, bốn doanh nghiệp có trạm xử lý nhưng để “mốc xanh”.
Nhận định về tình trạng có công nghệ nhưng không dùng, TS Đào Trọng Tứ, Hội Thủy lợi Việt Nam, Ban điều hành Mạng lưới Cộng tác vì nước Đông Nam Á nhận xét: “Khi các cơ quan chức năng “lỏng tay ”, doanh nghiệp bỏ qua đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường là điều dễ hiểu”.
|
300 nhà khoa học thảo luận về sử dụng tài nguyên nước
Hôm nay, Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng (IMC) tổ chức Hội thảo quốc tế “Tài nguyên nước và sự phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của trên 300 nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm đánh giá trữ lượng tài nguyên nước quốc gia và thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá tác động của nguồn nước ô nhiễm tới sức khỏe cộng đồng và kiến nghị các giải pháp công nghệ xử lý. Qua đó, các nhà khoa học sẽ đề xuất các giải pháp chính sách nhằm khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo Đất Việt là đơn vị bảo trợ thông tin cho sự kiện này. |
|